Xã Hòa Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân

Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, xã Hòa Bình đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó chú trọng khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là xã vùng cao, điều kiện canh tác nông nghiệp không thuận lợi nên vụ thu đông, hầu hết các chân ruộng ở xã Hòa Bình thường bị bỏ không; chỉ một số ít diện tích trồng ngô và rau, chủ yếu phục vụ nhu cầu của chính người dân trong xã.Tuy nhiên, từ năm 2021, UBND và hội Nông dân xã đã tuyên truyền, khuyến khích một số hộ dân liên kết với Hợp tác xã nông dược Hòa Bình triển khai thí điểm mô hình trồng bí xanh. Xã cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bí cho các hộ tham gia mô hình.

Sau năm đầu trồng thử nghiệm, cây bí xanh đã chứng tỏ thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Vì vậy, năm 2022, đã có 24 hộ dân trên địa bàn xã tham gia mô hình với tổng diện tích trồng khoảng 3,5 ha (tăng 17 hộ và 2,5 ha so với năm trước). Ông Hoàng Văn Hải ở thôn Đồng Lá cho biết: sau vụ đầu thử nghiệm thấy có hiệu quả, vụ này gia đình ông trồng một mẫu rưỡi bí xanh, đến nay đã thu được 3 lứa quả, còn 1 lứa cuối nữa là hết vụ. Dự tính diện tích bí của gia đình ông cho năng suất khoảng 1,2 tấn quả/sào, hiệu quả kinh tế gấp 5-6 lần so với cấy lúa. Hiện nhiều hộ khác trong thôn cũng đã đăng ký tham gia mô hình vào vụ tiếp theo.

Theo thống kê của UBND xã, tổng sản lượng thu hoạch bí xanh 2 vụ (2021-2022) ước đạt 117 tấn, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 600 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa và ngô. Sản phẩm đến kỳ thu hoạch đều được xã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua hết, khiến bà con rất phấn khởi.

Ông Hoàng Văn Hải đang chăm sóc vườn bí

Với diện tích đất vườn đồi lớn, những năm qua, xã cũng vận động, khuyến khích người dân khai thác thế mạnh này để triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia đình bà Linh Thị Hải ở thôn Thác Cát có khoảng 1.500m2 vườn tạp. Trước đây, trong vườn có nhiều loại cây nhưng mỗi thứ một ít, không theo quy hoạch nên hầu như không đem lại giá trị kinh tế. Năm 2017, gia đình đã đầu tư quy hoạch và cải tạo lại vườn, trồng thử nghiệm ổi và bưởi Diễn. Đến nay, cây bưởi đã chứng tỏ phù hợp với thổ nhưỡng và đã cho thu hoạch. Gia đình bà cũng kết hợp nuôi hàng trăm con gà giống địa phương, vừa tận dụng diện tích dưới tán bưởi, vừa có nguồn phân tự nhiên cho cây và giảm bớt công làm cỏ vườn.

Bà Hải chia sẻ: với cách nuôi-trồng kết hợp này vừa đỡ tốn công, giảm bớt chi phí lại có hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, khu vườn cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng, giúp gia đình trang trải nhiều khoản trong cuộc sống. Với diện tích trồng ổi sau vài năm không hiệu quả, gia đình đã chuyển đổi sang trồng thử nghiệm cây hồng xiêm; hiện cây đang phát triển tốt và đã bắt đầu bói quả, nếu có hiệu quả gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

Vườn bưởi Diễn sai trĩu quả của gia đình bà Linh Thị Hải

Đó chỉ là hai trong nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đang được người  dân xã Hòa Bình áp dụng và mang lại hiệu quả. Hiện nay, rất nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới có giá trị kinh tế như: trồng ổi, hồng xiêm, cam, bưởi các loại; nuôi dúi, nuôi gà, vịt sinh sản và thương phẩm… theo hướng liên kết, tạo chuỗi giá trị.

Đồng chí Vũ Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy, ý thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gắn kết với thị trường, Hội Nông dân xã cũng tích cực tạo điều kiện giúp các hộ có nhu cầu được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời tham mưu cho UBND xã phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng của thành phố như Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, đưa các lớp tập huấn, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp để giúp bà con phát triển các mô hình hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Riêng đối với mô hình trồng bí xanh, xã đang tuyên truyền, vận động các hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương. Xã cũng sẽ tích cực liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích.

Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả cũng được nhân dân xã Hòa Bình nhân rộng, đem lại thu nhập cao

Với sự khuyến khích, tạo điều kiện tích cực của Đảng ủy - Chính quyền và các ngành chức năng của xã; sự mạnh dạn thử nghiệm và đầu tư của các hộ dân trong việc lựa chọn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân. Ước tính hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 57 triệu đồng; trên địa bàn không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đó là điều kiện quan trọng để xã tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Phương Loan – Huy Phương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 69