SỨC MẠNH CỦA LÒNG DÂN
Xã Dân Chủ, thành phố Hạ Long có trên 300 hộ dân. Thời gian qua, xã Đảng ủy, chính quyền, MTTQ xã đã có nhiều giải pháp phù hợp để khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, trên nhiều lĩnh vực. Các mô hình, chương trình của xã đã phát huy hiệu quả trong thực tế cuộc sống....
Bài toán khó về chuyển đổi tư duy
Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh; Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Kế hoạch trồng rừng Lim, Lát, Giổi theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong thời gian qua, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Dân Chủ đã tập trung triển khai thực hiện từng bước đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Những ngày đầu, khi các Nghị Quyết được triển khai đến các thôn trong xã, bà con nhân dân không mấy hưởng ứng, có hộ còn cương quyết phản đối. Hiểu được tâm tư người dân, với diện tích rừng được giao bà con trồng cây Keo Tai Tượng chỉ nhanh là 5 năm, chậm thì 7-8 năm là được khai thác, họ thu về cũng được 100triệu đồng/ha. Cứ như thế, cây Keo đã gắn bó với đồng bào bao lâu nay, nhiều gia đình xây được nhà khang trang cũng nhờ vào rừng Keo.
Cây keo đã đứng chân được trên các đồi núi, nhưng nó chỉ đem lại giá trị kinh tế, còn về môi trường thì đã và đang góp phần làm biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, phá vỡ cả hệ sinh thái. Bởi, với cách thức khai thác keo đồng loạt và mở đường lên đỉnh núi khai thác keo, vô hình chung đã tạo thành rãnh thoát nước lớn, gây xói mòn, trượt lở đất nhanh hơn.
Làm thế nào để người dân họ bỏ được thói quen, việc làm khi bao lâu nay cây keo đã giúp họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống để chọn trồng cây gỗ lớn, thời gian được khai thác thì rất dài tới mười mấy hai mươi năm, kinh nghiệm trồng và chăm sóc thì chưa có! Xác định đây là một việc khó, để người chuyển đổi tư duy từ cây ngắn ngày sang cây có giá trị kinh tế cao nhưng dài ngày cần phải có thời gian và phải có mô hình tiên phong làm trước.
Theo đó, xã đã rà soát, thu hồi 24 ha diện tích đất rừng do xã quản lý, người dân đang sử dụng trồng keo yêu cầu người dân trả lại đất để trồng gỗ lớn, đặc biệt là những vị xung yếu đầu nguồn với mục tiêu giữ sinh thuỷ nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt lâu dài. Việc này được Nhân dân trong toàn xã đồng thuận, chung tay cùng địa phương tập trung trồng trong năm 2022 được 24 ha. Đồng thời xã tổ chức tuyên truyền, vận động một số hộ gia đình đăng ký làm trước. Qua triển khai đã có 03 hộ trồng với trên 13 ha.Từ cách làm linh hoạt và triển khai đồng bộ, đến nay tổng diện tích trồng cây gỗ lớn của Dân Chủ đạt khoảng 27 ha.
Cán bộ, nhân dân xã Dân Chủ ra quân trồng cây hưởng ứng Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão 2023
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"
Trồng cây khó một thì giữ cây khó mười. Cây cần đầy đủ các yếu tố từ giống cây, thổ nhưỡng, nguồn nước, ánh sáng đến phân bón và công chăm sóc để phát triển thành một cây trưởng thành cứng cáp, mọi thành quả đều cần một quá trình vun đắp và phấn đấu.
Đất rừng khô cằn, bạc màu, cắm cuốc chim xuống còn thấy cán lung lay thì lấy gì để trồng cây, vun gốc. Thế nhưng những cái lắc đầu ngán ngẩm nhanh trong qua đi mà thay vào đó là sự miệt mài, cần mẫn đến nể phục. Vượt lên điều kiện bất lợi, mỗi người một công một việc trên hành trình gây rừng. Người thồ, gánh phân hữu cơ lên rải từ đỉnh núi xuống chân để cải tạo đất, người cuốc hố, vận chuyển cây giống, vun đất trồng cây. Cứ thế ngày qua ngày, rừng núi xã Dân Chủ đã phủ kín mầm xanh.
Ảnh: Cán bộ, người dân xã Dân Chủ vận chuyển cây giống
Tuy cây đã bám đất rừng song vẫn chưa thể thở phào vì “công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”.
Hưởng ứng phát động của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã Dân Chủ, trong chương trình ra quân, cùng với các lực lượng, hàng trăm bà con nhân dân, học sinh, CBCC xã Dân Chủ, hội viên Phụ nữ, nông dân…đã hồ hởi tham gia làm cỏ, phát cây bụi, dây leo…tạo nên một khí thế vô cùng ấn tượng nơi làng quê Dân Chủ.
Đồi núi khô cằn, cây rừng chăm sóc không khéo cũng còi cọc, chậm lớn vậy mà cỏ, cây bụi ngày càng xâm lấn, giành nguồn dưỡng chất với cây chính thì phát triển quá nhanh. Người dân lại phải vất vả làm cỏ, phát quang. Việc đưa nước tưới cây cũng không hề dễ dàng. Máy bơm chỉ có thể dẫn nước tới chân núi, còn người dân phải gánh, chắt chiu từng thùng nước đưa lên đỉnh để tưới cho cây. Vất vả, nặng nhọc nhưng không ai kêu ca, phàn nàn. Biết bao mồ hôi rơi xuống, đổi lại những mầm xanh tương lai. “Tôi hôm nay xin nghỉ phép một ngày, thấy bà con hăng hái, nhiệt tình, làm hết sức mình, tôi và gia đình cũng muốn góp chút trách nhiệm, san sẻ với bà con”, chị Ái chia sẻ.
Cán bộ xã tưới nước cho cây
Tại khoảnh 70 ngọn suối Đồng Dinh, đường ngoằn nghèo, để lên tới đỉnh phải mất hơn 1 giờ đồng hồ. Nhưng đó là với những người có sức khỏe tốt, không mang vác vật nặng, còn đối với người đi làm rừng, vừa đi, vừa vác máy cắt cỏ thì mất thời gian, công sức hơn nhiều. Vất vả, bởi chưa cần làm việc mà chỉ di chuyển tới nơi đã thấm mệt. Hơn nữa, việc dọn dẹp, phát quang cây bụi và cuốc hố trồng cây dặm cũng mất nhiều công sức hơn do khu vực đỉnh núi chủ yếu là đá, sỏi. Gần 1 tuần ra quân phát cỏ, 100% các hộ dân trong xã tham gia thực hiện coi việc này là trách nhiệm với núi rừng, với tương lai con em nên vui vẻ và làm không tính toán.
Để không ảnh hưởng tới tiến độ cũng như tranh thủ tiết trời mùa xuân, mỗi hộ gia đình còn chủ động mang theo cơm nắm, nước uống vừa tiết kiệm thời gian ăn trưa, lại bảo đảm sức khỏe. Dù khó khăn, vất vả song ai nấy đều động viên nhau khắc phục để chạy đua với thời gian “ Nếu không nhanh, không gấp, tháng sau nắng mới lên, ong làm tổ thì khó khăn gấp trăm lần” - Bà con bảo nhau như vậy và động viên nhau cùng cố gắng.
Ảnh: Cán bộ, nhân dân xã Dân Chủ tích cực làm cỏ, phát quang
Đến thời điểm hiện tại, 24 ha rừng đã cơ bản được phát quang cỏ, dẫu vất vả nhưng thật sự rất vui và xúc động vì tinh thần của Nhân dân thật tuyệt vời! Nhân dân, đảng viên, các đồng chí cán bộ công chức, cán bộ thôn đã không quản nắng mưa hăng hái tham gia lao động. Đúng là không có việc gì khó nếu như chúng ta có tinh thần đoàn kết chung sức chung lòng!
Kết quả này là một trong những minh chứng vai trò quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương và sức mạnh của lòng dân. Bằng phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng và những việc làm thiết thực, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành xã Dân Chủ đã nâng cao nhận thức cũng như huy động được sức mạnh của Nhân dân chung tay phủ xanh đất rừng.
Để cây tiếp tục phát triển, trong thời gian tới còn cần rất nhiều công sức và thời gian chăm sóc. Có thể chúng tôi đã lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại, nhưng không có chiếc “ đũa thần” nào thay thế sự đồng tâm, hiệp lực của Nhân dân xã nhà đã luôn sát cánh cùng cấp uỷ, chính quyền trong nhiệm vụ này. Mỗi hành động nhỏ ấy đều thắp lên niềm tin yêu, hi vọng, những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa nhất của đời sống sẽ ở lại, bền lâu./.
“Ảnh: Rừng gỗ lớn đã dần được phát quang cỏ dại”
“Dẫu vất vả nhưng đã thấy thành quả”
“Rừng gỗ lớn xã trồng năm 2021, nay nhiều cây đã cao vượt quá đầu”
Tin tức khác
- Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9-11), chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- Hội phụ nữ xã Dân Chủ phát động phong trào giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
- Xã Dân Chủ tổng kết Chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả do bão số 3 (YAGI)
- Bản đồ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm xã Dân Chủ, thành phố Hạ Long (kèm theo quyết định số 10755/QĐ-UBND, ngày 27/8/2024 của UBND thành phố Hạ Long)
- Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm xã Dân Chủ, thành phố Hạ Long