Nỗ lực xây dựng xã hội số

 

Xã hội số là một trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số. Thời gian qua các cấp chính quyền, các ngành chức năng của TP Hạ Long đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp với lộ trình và các bước đi phù hợp để thúc đẩy các hoạt động xây dựng xã hội số trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP Hạ Long đã chú trọng đầu tư hạ tầng thông tin, xây dựng, phát triển các dịch vụ số; khuyến khích người dân đầu tư, trang bị, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh kết nối mạng internet và truy cập, sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số. Hiện nay, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động và cáp quang tốc độ cao các khu vực dân cư trên địa bàn Thành phố đạt trên 85%. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh là 90%.

Ngành Giáo dục – Đào tạo TP Hạ Long đi đầu trong áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý và dạy học

Nhiều ngành đã phối hợp hỗ trợ người dân tham gia sâu vào chương trình chuyển đổi số, nhất là tham gia sử dụng các nền tảng, dịch vụ số hữu ích cho đời sống tinh thần, sinh hoạt, phát triển kinh tế. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập trên môi trường internet, xây dựng các phòng học thông minh, trường học thông minh, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý và dạy học. Đối với hoạt động phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn các doanh nghiệp, các HTX, cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp cũng đã được hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ sử dụng các phần mềm quản lý, điều hành sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường.

Chợ Hạ Long I là một trong các chợ truyền thống của Thành phố được triển khai mô hình chợ 4.0

TP Hạ Long cũng đã thiết lập hơn 1000 điểm thanh toán không dung tiền mặt, xây dựng chợ 4.0 đối với các chợ Hạ Long I, Hạ Long II, chợ Cái Dăm đồng thời hỗ trợ khoảng 1000 hộ tiểu thương cài đặt, thiết lập mã QR, sử dụng các ứng dụng để thanh toán không dung tiền mặt. Còn tại Trung tâm HCC Thành phố cũng đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ gần 3000 lượt công dân thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ quốc gia khi tới giao dịch thủ tục hành chính.

Các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận với chuyển đổi số

Thành phố còn thành lập 243 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 2.500 thành viên. Đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ Thành phố đến các xã, phường, thôn, bản, khu phố. Cùng với công tác tuyên truyền, Tổ công nghệ số cộng đồng được giao các nhiệm vụ cụ thể gắn với các chỉ tiêu cần hoàn thành trong năm 2022. Đó là: Phấn đấu 100% công dân từ 14 tuổi trở lên trên địa bàn được cấp mã định danh điện tử cá nhân và sử dụng hiệu quả trong giao dịch thủ tục hành chính, các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục... Phấn đấu 100 công dân trưởng thành biết và hiểu địa chỉ truy cập Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh; có kỹ năng cơ bản khi có nhu cầu sử dụng.

Bên cạnh những kết quả ban đầu đạt được, việc xây dựng xã hội số vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc như: kỹ năng số của người dân nói chung còn chưa cao, mới tập trung chủ yếu ở giới trẻ; một số quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự dễ hiểu, khó thực hiện.

Cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và hình thành thói quen tiếp cận, sử dụng các ứng dụng CN phục vụ cho cuộc sống, công việc

Để khắc phục những tồn tại hạn chế đó, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, đồng thời đánh giá kết quả triển khai thí điểm chợ 4.0 trên địa bàn từ đó triển khai nhân rộng tới các chợ truyền thống còn lại, các siêu thị và cửa hàng tiện dụng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số và hoạt động xã hội số; khuyến khích người dân đầu tư trang bị điện thoại thông minh để truy cập vào môi trường internet và tăng cường tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số, nhất là tham gia giải quyết các thủ tục hành chính công trên môi trường số. Chú trọng tạo môi trường thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ số nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số thiết yếu, thông minh, dễ sử dụng cho người dân; tăng cường hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân và hình thành dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin dùng chung…

                              Thu Hường

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1333