Hạ Long đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu

Trong thời gian qua, trên cơ sở danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tỉnh đã ban hành, thành phố Hạ Long căn cứ vào lợi thế, điều kiện cụ thể và nhu cầu thị trường đưa ra định hướng sản xuất phù hợp; đối với sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ gắn với cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Thành phố đã tập trung đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương mại điện tử. Ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.

Gian hàng của TP Hạ Long tại hội chợ Ocop

Theo đó, Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đánh giá điều tra tài nguyên đất nông nghiệp, triển khai xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với ngành nông lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong đó, tập trung phát triển nhanh 05 sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, là lợi thế của Thành phố như: Cây ăn quả; Cây dược liệu (Ba kích, các sản phẩm từ ba kích); Hoa chất lượng cao; Gà Tiên Yên, gà địa phương; Một số sản phẩm thủy sản: Tôm (Tôm thẻ chân trắng, Tôm sú...); Nhuyễn thể (Hàu, Hà, Ngọc trai) ; Mực và các sản phẩm từ mực; Cá (cá song, cá giò, vược, chim vây vàng). Đến nay, trên địa bàn thành phố dần hình thành vùng trồng trọt có giá trị kinh tế cao, trong đó đã tập trung mở rộng vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn, hoa chất lượng cao, cây ăn quả, triển khai trồng các loại cây dược liệu, cây thuốc nam tại 03 xã… gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng độc đáo hấp dẫn dựa trên lợi thế, tiềm năng về tự nhiên, văn hóa, cộng đồng. Chú trọng nâng cao giá trị gia tăng, giá trị thương phẩm của các sản phẩm nông nghiệp thông qua thực hiện cấp 07 mã vùng trồng (07 xã).

Chè Hằng Nga, một trong những sản phẩm Ocop chủ lực của TP Hạ Long

Cùng với đó, TP chủ động rà soát, xác định các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm thương hiệu, sản phẩm OCOP đã được phân hạng có nhu cầu thị trường lớn, có tiềm năng, hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng mẫu mã sản phẩm và định hướng tập trung hỗ trợ phát triển thành sản phẩm chuyên nghiệp; xây dựng đề án xúc tiến quảng bá, bán sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của thành phố và của tỉnh.

Thành phố hiện có 65 sản phẩm Ocop, trong đó gồm: 3 sản phẩm đạt 5 sao; 8 sản phẩm đạt 4 sao; 31 sản phẩm đạt 3 sao; 23 sản phẩm mới tham gia Chu trình. Thành phố thường xuyên phối hợp với Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Ninh và VNPT Quảng Ninh hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Đến nay, đã đưa được 27 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn và 38 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart (vượt kế hoạch 15 sản phẩm (65/50 sản phẩm) lên sàn thương mại điện tử, đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm OCOP cũng như nông sản địa phương được tiếp cận với môi trường mạng, phục vụ khối lượng người tiêu dùng rộng lớn.

Thành phố hỗ trợ các tổ chức, cá nhân các nguồn lực để giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển, trong đó tập trung việc hỗ trợ các nội dung về kết nối đầu vào, thương mại, hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và từng bước nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm ở thị trường trong và ngoài tỉnh; thực hiện hỗ trợ thương mại bằng việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ trên địa bàn thành phố, hội chợ trên địa bàn tỉnh và hội chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng với tần suất tham gia hội chợ từ 6 - 8 lần/năm, qua đó đã góp phần quan trọng giúp các đơn vị tiếp cận, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Trên địa bàn thành phố đã có một số sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, giúp các tổ chức, cá nhân ổn định sản xuất và từng bước mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, cụ thể như: các sản phẩm thủy sản Chả mực, ruốc tôm; các sản phẩm thực phẩm chức năng như Đông Trùng Hạ Thảo của cơ sở sản xuất Bảo Khang và HTX Việt Hoàng và các sản phẩm từ nông nghiệp như: Bánh đa, Giò chả, Khau nhục, Ổi, Thanh Long,... đã được người dân trong tỉnh tin dùng. Đặc biệt trên địa bàn thành phố, sản phẩm Ngọc trai Hạ Long đã được du khách Quốc tế lựa chọn và tin dùng khi đến Hạ Long du lịch.

Sản phẩm Ngọc trai Hạ Long được giới thiệu tại hội chợ Ocop

Việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác được tăng cường. Qua đó, góp phần đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và đang dạng hóa hình thức tiêu thụ nông sản. TP phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng mô hình sản xuất ổi VietGAP cho 45 hộ (6 nhóm hộ) với 9ha tại thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương và đã được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, phối hợp với Chi cục trồng trọt và BVTV triển khai mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng ổi xã Sơn Dương theo hệ thống/tiêu chuẩn OTAS (không mất chi phí duy trì) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu năm 2023, góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Trong thời gian tới, TP sẽ tích cực thực hiện kết nối với các chợ, Trung tâm thương mại, Doanh nghiệp, nhà hàng khách sạn để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn các xã và các huyện, thị lân cận. Xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất mới từ nguồn xã hội hóa hoặc liên kết sản xuất như: Hợp tác xã nông dược Hòa Bình, xã Hoà Bình đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Bí xanh với Hợp tác xã Nông - Lâm - ngư nghiệp Việt Hưng... Đồng thời, TP sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa và giá trị của công tác xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương; Đa dạng phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hợp lý để tạo ra được vùng hàng hóa gắn “thương hiệu” đáp ứng được nhu cầu của thị trường, hướng tới các thị trường nước ngoài. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm.

Đỗ Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 495