Đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu di tích danh thắng mùa lễ hội
Từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, du khách đến tham quan và du xuân tại các khu di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng mạnh, kéo theo đó là lượng lớn rác thải phát sinh hàng ngày. Xuất phát từ thực tế trên, các Ban Quản lý di tích, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đã tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích, tạo ấn tượng đối với nhân dân và du khách thập phương.
Vào mùa Lễ hội xuân, mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách về với Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí). Thậm chí, vào dịp cuối tuần và nghỉ lễ, lượng khách tham quan tăng cao gấp 3 đến 5 lần so với ngày thường. Với địa hình rừng núi rộng lớn, hiểm trở đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ môi trường tại đây.
Tại khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã bố trí 800 thùng rác thải dọc theo tuyến đường hành hương từ chân núi đến chùa Đồng phục vụ du khách, đảm bảo mỹ quan và tiện lợi cho du khách bỏ rác vào thùng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng huy động trên 100 nhân công vệ sinh làm việc 3 ca liên tục để thực hiện công tác quét dọn, thu gom và vận chuyển rác thải hàng ngày tại đây. Bà Đặng Thị Khuyên, công nhân vệ sinh, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Chúng tôi mong muốn tất cả du khách đều thực hiện đúng các quy định bảo vệ môi trường, sinh thái; trong đó có việc bỏ rác vào các thùng rác giúp chúng tôi thu gom được thuận tiện, dễ dàng hơn. Với địa hình ở Yên Tử, nếu không bỏ rác đúng quy định làm các loại rác như túi nilong bay vào các dốc, sườn đồi núi, việc thu gom sẽ rất vất vả và nguy hiểm.
Du khách Nguyễn Thị Hiếu (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), chia sẻ: Mỗi lần du xuân ở Yên Tử, tôi đều bắt gặp các nhân viên môi trường thu gom, gánh rác. Như chúng tôi chỉ đi bộ hành hương mà còn thấy khá mệt vậy mà họ phải gồng gánh những túi rác thải rất lớn. Nhìn thấy sự vất vả của họ, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau bỏ rác đúng nơi quy định, hoặc mang rác xuống chân núi thì mới bỏ.
Các công nhân vệ sinh của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm thực hiện thu gom, gánh rác thải về nơi tập kết để đưa đi xử lý.
Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên rộng lớn với hàng nghìn ha. Nơi đây còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm... Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp cổ... Ngoài ra, tại đây còn khoảng hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm. Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm thường xuyên phối hợp tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các hành vi gây phương hại đến di tích cũng như môi trường tự nhiên. Đồng thời thực hiện lồng ghép các nội dung tuyên truyền khuyến cáo du khách thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn, thực hiện văn minh và vệ sinh môi trường vào tài liệu hướng dẫn du lịch tại các điểm tham quan thông qua hệ thống loa phát thanh của di tích.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho hay: Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm việc bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích Yên Tử cũng là một trong những giải pháp nhằm thu hút nhân dân và du khách. Chính vì vậy, đơn vị luôn quán triệt tới tất cả các cán bộ, người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm, giáo dục giữ gìn từng cây xanh và trong quá trình làm việc tại vị trí thấy rác là lập tức nhặt bỏ để đảm bảo môi trường sạch sẽ nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên trồng thêm cây xanh, nhất là giống mai vàng Yên Tử để bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Cảnh quan môi trường tại di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) luôn được bảo vệ xanh, sạch, đẹp.
Còn tại di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan cũng luôn được duy trì thường xuyên. Ban Quản lý di tích đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng và phát triển Thanh Phong duy trì đội ngũ công nhân vệ sinh thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải tại đền và đưa đi xử lý theo quy định. Việc trồng và chăm sóc cây xanh, các loại hoa đảm bảo cho cảnh quan, môi trường trong khuôn viên khu vực đền luôn sạch đẹp cũng đã được chú trọng, tạo môi trường luôn xanh, sạch đẹp.
Theo ông Phạm Thành Trung, Trưởng Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, để đảm bảo môi trường văn minh, đơn vị đã bố trí các điểm bán hàng dịch vụ đảm bảo mỹ quan không ảnh hưởng đến khu di tích. Thực hiện tốt tiêu chí 4 không: Không có ăn xin, ăn mày, trộm cắp, móc túi; không tăng giá, chèo kéo khách; không có rác thải tồn đọng; không có hoạt động mê tín dị đoan.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 600 di tích, trong đó 5 di tích Quốc gia đặc biệt và 54 di tích cấp Quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh là tài sản vô giá từ thế hệ cha ông để lại cho các thế hệ mai sau. Vì vậy việc bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan của di tích không chỉ là trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan chức năng, mà cần sự chung tay của mỗi người dân, du khách khi đi tham quan, du lịch đầu xuân.
Theo Công CTTĐ tỉnh Quảng Ninh
Tin tức khác
- Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9-11), chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- Hội phụ nữ xã Dân Chủ phát động phong trào giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
- Xã Dân Chủ tổng kết Chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả do bão số 3 (YAGI)
- Bản đồ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm xã Dân Chủ, thành phố Hạ Long (kèm theo quyết định số 10755/QĐ-UBND, ngày 27/8/2024 của UBND thành phố Hạ Long)
- Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm xã Dân Chủ, thành phố Hạ Long