“Mùa vàng” từ những giống lúa mới

Mặc dù chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhưng ngành Nông nghiệp đã chủ động định hướng ngay từ đầu mùa, gieo cấy đúng lịch thời vụ, tăng cường chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, việc lựa chọn những giống lúa khỏe, chất lượng cao đã giúp người dân có một vụ mùa bội thu.

Người dân xã Cẩm La, TX Quảng Yên thu hoạch lúa. Ảnh: Bùi Niên

Tại TP Uông Bí, giống gạo ST25 bắt nguồn từ tỉnh Sóc Trăng đã được trồng thử nghiệm thành công. Mô hình được Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí triển khai tại 150 hộ gia đình với quy mô 20ha. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 600 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 184 triệu đồng. Giống lúa ST25 khỏe, khả năng sinh trưởng, chống đổ và chống chịu sâu bệnh tốt; hạt gạo thon dài, trắng, cơm mềm dẻo, thơm. Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình gieo cấy thử nghiệm giống lúa ST25 cho năng suất trung bình đạt hơn 5,9 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận hơn 44 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí, cho biết: Việc gieo cấy, chăm sóc giống lúa ST25 đòi hỏi có kỹ thuật ngay từ khâu đầu tiên đến khâu thu hoạch, sơ chế; sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV. Bước đầu có thể thấy, giống lúa ST25 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu tại địa phương. Việc thí điểm giống lúa mới ST25 hiệu quả góp phần thay thế những giống lúa cũ có năng suất, chất lượng thấp, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất lúa hàng hoá, đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất trên địa bàn thành phố.

Không chỉ ở TP Uông Bí, giống lúa này và giống lúa J02 còn được trồng thành công theo hướng VietGAP tại huyện Tiên Yên, Hải Hà và TP Móng Cái với tổng diện tích trồng là 96ha (vụ xuân triển khai 64ha, vụ mùa 32ha). Giống J02, ST25 có tiềm năng, cho năng suất khá, ưu thâm canh; có khả năng chịu rét tốt, thích hợp trồng vụ xuân với năng suất cao có thể đạt tới 65 tạ/ha; giống lúa ST25 có khả năng chịu mặn, thích hợp trồng vụ mùa. Các giống lúa này đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn giống lúa cũ khoảng 5 triệu đồng/ha.

Mặc dù vụ mùa năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả vật tư nông nghiệp tăng so với những năm gần đây, nhưng năng suất lúa vẫn đạt trung bình trên 50 tạ/ha. Diện tích gieo cấy vụ mùa trên 22.600ha, sản lượng khoảng 113.092 tấn. Các giống lúa chất lượng đã được nhân rộng, như: BC15, TBR225, RVT, đài thơm, hương thơm… mang lại giá trị kinh tế cao.

Giống lúa ST25 trồng thử nghiệm tại TP Uông Bí cho hiệu quả kinh tế gấp đôi giống lúa Khang dân 18.

Để người dân được gặt hái những “mùa vàng”, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3030/QĐ-UBND (ngày 17/10/2022) về phê duyệt Đề án thực hiện chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022- 2030. Trong đó, nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng, quản lý, kiểm định giống lúa theo hướng công nghiệp hiện đại, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, giai đoạn 2022-2025, giống lúa mới, chất lượng cao được đưa vào sản xuất đạt trên 90%, giai đoạn 2026-2030 đạt 100%. Dự báo, giai đoạn 2022-2030, nhu cầu về giống lúa khoảng 2.000-2.200 tấn/năm.

Để hoàn thành những chỉ tiêu theo Đề án, trước mắt ngành Nông nghiệp tập trung sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng vụ đông xuân 2022-2023. Được biết, vụ đông xuân năm nay, dự kiến tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt khoảng 33.250ha với sản lượng lương thực trên 98.300 tấn. Trong đó, diện tích lúa đông xuân đạt trên 15.000ha. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đức cho biết: Xác định sản xuất vụ đông xuân là vụ chính trong năm đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch sản xuất và phương án bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương ngay từ đầu vụ, không để xảy ra dịch hại ảnh hưởng đến năng suất chất lượng sản phẩm cây trồng. Đồng thời, chú trọng áp dụng và mở rộng mô hình sản xuất điển hình, tiến bộ kỹ thuật như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao J02, ST25.

Các địa phương cần nâng cao công tác tập huấn, chỉ đạo kỹ thuật; tiếp tục cập nhật công tác kỹ thuật mới, nhất là đối với thực tế địa hình, chân ruộng, thời tiết, khí hậu, văn hóa canh tác của từng xã, thôn tại địa bàn; đồng thời kết hợp trao đổi kinh nghiệm với các địa phương triển khai tốt mô hình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân; phổ biến việc triển khai mô hình trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP qua các buổi sinh hoạt chi bộ, thôn, khu và các đoàn thể. Ngoài ra, cần nâng cao công tác tổ chức sản xuất, hiện đại hóa trong sản xuất và đẩy mạnh thi đua sản xuất giữa các địa phương; xác định liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là bước quan trọng để ổn định, phát triển sản xuất; thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến gạo tại địa phương...

Hoàng Quỳnh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18