Hạ Long: Tăng cường chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trục “chính quyền số”, “kinh tế số” và “xã hội số”

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh, sự phối hợp, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, các đoàn thể của tỉnh, sự ủng hộ, đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; thành phố Hạ Long đã bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, Thành phố tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trục “chính quyền số”, “kinh tế số” và “xã hội số... bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực: Chỉ số DDCI xếp thứ 02/13, chỉ số ICT xếp thứ 02/13; Chỉ số PAR Index xếp thứ 04/13...

Thành phố đã thí điểm ứng dụng công dân số App Hạ Long Smart, cung cấp các tiện ích về dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, các thông tin từ chính quyền, giao thông, du lịch, giáo dục, y tế, giáo dục, tài nguyên, môi trường để phục vụ công dân khai thác, sử dụng và tương tác với Chính quyền thành phố. Đến nay ứng dụng đã có 36.930 lượt tải về (trong đó có 12.053 tài khoản đăng ký) và có 652 phản ánh, kiến nghị của người dân tới Chính quyền Thành phố.

App Hạ Long Smart

Các thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Chính quyền điện tử cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia thường xuyên được rà soát, tích hợp. TP đã xây dựng mô hình điểm tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thí điểm tại 04 điểm bưu cục (Hà Tu, Giếng Đáy, Việt Hưng, Thống Nhất). Đối với TTHC thuộc thẩm quyền thành phố: 226/279 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), đạt 81%; 53/279 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt 19%. Đối với TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã: 22/123 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt 18%; 101/123 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt 82%.

Thông qua thực hiện số hóa hồ sơ đầu vào, kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, công dân, cấp phát miễn phí chữ ký số để tổ chức, công dân ký số trong các giao dịch giải quyết TTHC đã tăng lên. Số hóa hồ sơ đầu vào cấp huyện đã đạt tỷ lệ 99,6%, cấp xã đạt 99,4%; số hóa kết quả TTHC cấp huyện đạt tỷ lệ 96,4%, cấp xã đạt 93% (ký số kết quả cấp huyện, cấp xã đạt 100%). Dữ liệu số hóa hồ sơ của tổ chức, công dân, kết quả TTHC được lưu trữ trên hệ thống thông tin Một cửa điện tử tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.

Từ ngày 01/6/2023, Thành phố Hạ Long là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai thực hiện thí điểm trả thông báo thuế điện tử (đối thủ tục hành chính đăng ký biến động quyền sử dụng đất, sang tên chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng....) kết hợp với thanh toán qua cổng dịch vụ Công quốc gia đã cắt giảm khâu, bước giải quyết thủ tục hành chính; tạo môi trường số để tổ chức, công dân giải quyết được nhanh chóng, thuận tiện.

Cùng với đó, TP đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hạ Long (làm sạch giữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân gắn chip, kích hoạt định danh điện tử)

Tăng cường cấp CCCD gắn chip cho công dân

Đối với Phát triển Kinh tế số, đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức khai thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử đạt 100%; tỷ lệ người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thuế có tài khoản giao dịch thuế điện tử đạt 100%, kê khai thuế điện tử đạt 100%. Triển khai nộp thuế điện tử đối với cá nhân trên thiết bị di động (eTax Mobile ngành Thuế).

Các nhà mạng viễn thông (Viettel; VNPT; MobiFone) và các đơn vị điện,  nước đã đưa hợp đồng điện tử vào thực hiện giao dịch. Đưa 27 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn và 38 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart (vượt kế hoạch 15 sản phẩm); 100% sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm và được truy xuất nguồn gốc thông qua việc cấp mã số, mã vạch. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm mang tính chất địa danh, được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu như sản phẩm Hoa Hoành Bồ; Ổi Hoành Bồ; chả mực Hạ Long.

Còn về Phát triển xã hội số, có thể thấy những con số ấn tượng như: Tỷ lệ sổ khám sức khỏe điện tử 335.431/342.440 đạt 97,9%, tỷ lệ sổ bảo hiểm sức khỏe điện tử VssID trên tổng số người dân trưởng thành có điện thoại thông minh 250.815/269.693 đạt 93% .

Ngành Giáo dục cũng tích cực triển khai ứng dụng quản lý nhà trường SMAS và tuyển sinh trực tuyến đầu cấp để thông minh hóa trong giáo dục phục vụ quản lý, tra cứu và tuyển sinh trực tuyến. Đang triển khai bàn giao, thông báo 22.738 địa chỉ số cho tổ chức, công dân.

Thành phố cũng đã lập, thường xuyên tổ chức tập huấn và phát huy vai trò của 243 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.584 thành viên.

Tổ công nghệ số cộng đồng phường Trần Hưng Đạo

Việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn cũng được đẩy mạnh. Số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt là 12.591 điểm đạt 112% kế hoạch tỉnh giao; “Chợ 4.0” được triển khai tại 06 chợ (Hạ Long 1, Hạ Long 2, Cái Dăm, Giếng Đáy, Hồng Hải, Hồng Hà); tích cực hướng dẫn, tuyên truyền triển khai mã QR cho các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả: thu phí lệ phí tại Trung tâm đạt 100%; tại các xã phường đạt 64%; Giáo dục: 100%; Cơ sở y tế: 36%; Bảo hiểm xã hội, thất nghiệp 51,85%; chi trả bảo trợ, người có công: 11,1%.

“Chợ 4.0”

Đã có trên 300 chữ ký số miễn phí được khởi tạo và cấp cho tổ chức, công dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính; đến nay đã có trên 120 giao dịch giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện ký số tại Trung tâm Hành chính công.

Với việc xác định Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, TP đã tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để triển khai chuyển đổi số toàn diện trên 03 trục “chính quyền số” “kinh tế số” và xã hội số”. Từ đó, giúp Chính quyền công khai minh bạch các thông tin, công việc giải quyết nhanh hơn, công cụ giám sát chất lượng dịch vụ được nâng cao, tương tác giữa Chính quyền và người dân ngày càng được đẩy mạnh; Doanh nhiệp được tiếp cận nhiều công nghệ giải pháp cũng như nền tảng để nâng cao hiệu quả hoạt động; Người dân được tiếp cận các thông tin tiện ích của Chính quyền nhanh chóng, thuận tiện; các tiện tích số ... giúp chất lượng đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn.

Đỗ Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 123